Làm cha mẹ là một sứ mệnh thiêng liêng. Và dĩ nhiên cần có sự chuẩn bị để con ra đời một cách khỏe mạnh, bình an và phát triển tốt. Mang thai cũng cần sự chuẩn bị, một kế hoạch sơ bộ. Vậy, vợ chồng cần chuẩn bị những gì trước khi mang thai?
I – Chuẩn bị kiến thức trước khi mang thai
Làm cha mẹ không chỉ dựa trên bản năng mà còn cần kế thừa những kiến thức đi trước của ông bà và khoa học. Trước khi đến với từng giai đoạn của con, chúng ta cần chuẩn bị trước khi bước vào những giai đoạn: mang thai, con từ 0 – 3 tuổi, từ 3 – 6 tuổi,… Việc con đã bước vào giai đoạn đó rồi mới bắt đầu “học” thì thời gian gấp rút, khó mà tiếp thu được đủ. Tối thiểu trước 6 tháng mai thai, vợ chồng hãy tìm hiểu trước cần chuẩn bị những gì cho trước và trong mang thai. Trong khi mang thai thì tiếp tục chuẩn bị kiến thức nuôi con sau khi sinh.
Muốn có hành động đúng, trước tiên phải có hiểu biết đúng!
Hãy tìm đến những nguồn thông tin uy tín để tìm hiểu, gồm:
Sách, tài liệu khoa học
Chuyên gia về sinh sản và giáo dục trẻ em
Kinh nghiệm của các bậc cha mẹ đi trước
Và đặc biệt, khi bạn xem các thông tin trên mạng của biết bao nhiêu người chưa được kiểm chứng, hãy cẩn thận và xem xét kỹ càng.
II – Chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai
1. Cần tiêm phòng gì trước khi mang thai?
Dưới đây là các vắc xin cần thiết cho phụ nữ trước khi mang thai:
Trước khi có thai 5 tháng: Vắc xin thủy đậu (tối thiểu phải tiêm trước 1 tháng có thai). Nếu đã mang thai không được tiêm vắc xin này. Nếu bạn đã từng bị thủy đậu thì có thể bỏ qua vì sau khi bị bệnh này cơ thể có tính miễn nhiễm rất cao.
Trước khi có thai 3 tháng: Vắc xin 3 trong 1 (Sởi – Quai bị – Rubella). Không được tiêm vắc xin này nếu bạn đang có thai.
Trước khi có thai 1 tháng: cúm mùa.
Ngoài ra, bạn có thể trao đổi thêm với bác sĩ về việc có cần tiêm thêm vắc xin viêm gan B, HPV, uốn ván,…
2. Vợ chồng cần bổ sung gì trước khi mang thai?
Đối với phụ nữ, tối thiểu trước khi mang thai khoảng 3 – 6 tháng, chị em cần uống bổ sung hoặc tích cực ăn thực phẩm giàu các chất sau:
Axit folic (vitamin B9): các thực phẩm giàu axit folic như các loại hạt, đậu, bông cải xanh, măng tây, cam quýt, bơ, trứng, gạo lứt, bánh mì đen,… Tốt nhất, nếu có thời gian hãy uống bổ sung axit folic 400 microgram mỗi ngày trước khi có bầu 1 năm.
Sắt: nên bổ sung 15 – 30mg sắt mỗi ngày. Ngoài ra, bạn nên ăn bổ sung các thực phẩm giàu sắt như thịt bò, rong tảo biển, rau bina,… Và bạn cần nhớ tránh uống sắt cùng canxi vì gây cản trở hấp thụ sắt, nên cách nhau ít nhất 2 tiếng. Trong khi đó bạn nên uống sắt kèm vitamin C hoặc các nước uống giàu C như nước chanh, cam,…
Canxi: bạn có thể sử dụng các nguồn thực phẩm giàu canxi như hải sản, rong tảo biển, rau dền, rau đay, cải ngọt, cá chạch, đậu phụ, yến mạch,… Bạn cần lưu ý bổ sung magie, vitamin D (có điều kiện thì nên tắm nắng hàng ngày để nạp vitamin D tự nhiên) đi kèm để đạt hiệu quả hấp thu tối đa nhất.
Vitamin B6: có thể giúp giảm triệu chứng ốm nghén.
I-ốt: nguồn bổ sung I-ốt tốt nhất lại không phải là muối I-ốt, mà là tảo bẹ, rong biển (chứa tới 800 – 2.000μg/kg), sau đó là rau dền, rau cải xoong, cá thu.
Omega 3 (DHA và EPA): nếu bạn không ăn các loại cá béo như cá hồi hoặc cá mòi ít nhất một hoặc hai lần một tuần, thì nên uống bổ sung omega-3 hàng ngày, hãy chọn sản phẩm đư56ợc bào chế ở dạng tự nhiên Triglycerid.
Choline: có nhiều trong bơ đậu phộng, các loại hạt, trứng, các loại đậu, cá thu, các loại rau cải, diêm mạch, chuối, nấm đông cô, cá hồi, sô-cô-la.
Lưu ý: nếu bạn có uống bổ sung các dưỡng chất thì không được dùng quá liều khuyến cáo vì có thể gây nguy hiểm, dị tật cho thai nhi. Đặc biệt cần cẩn thận với quá liều vitamin A, tốt nhất nên tận dụng dinh dưỡng từ thực phẩm tự nhiên thay vì viên uống.
Đối với nam giới, tốt nhất nên chuẩn bị trước 6 tháng vì tinh trùng cần 2 tháng để trưởng thành:
Axit folic
Vitamin D
Vitamin B12: tảo spirulina là thực phẩm giàu axit folic và vitamin B12, ngoài ra còn có gan bò, trứng gà, các loại đậu, củ, cam, chuối, dâu,…
L-Carnitine: có nhiều trong thịt bò, thịt heo, các loại hạt, atiso, măng tây, củ cải đường, cải xanh, đậu ve, tỏi, rau mùi tây,…
Vitamin C
Co Q10: có nhiều trong thịt bò, cá trích, cá hồi, đậu phộng, hạt vừng, bông cải xanh, dâu tây, cam, trứng, ngũ cốc nguyên hạt,..
Kẽm: có nhiều trong bột cacao, ngũ cốc, mầm lúa mì, hạt bí ngô, hạt điều,…
Selen: thực phẩm giàu selen gồm cá, thịt, trứng,…
3. Vợ chồng cần chú ý thêm các vấn đề sau trước khi mang thai
Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng và mệt mỏi.
Hạn chế hoặc tốt nhất là dừng rượu, bia, thuốc lá.
Hoạt động thể chất
Uống đủ nước
II – Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai
Trước 3 – 5 tháng chuẩn bị mang thai, cả vợ lẫn chồng nên đi khám sàng lọc trước khi mang thai nhằm đảm bảo quá trình mang thai an toàn và mạnh khoẻ cho cả mẹ lẫn bé. Những vấn đề chính cần kiểm tra bao gồm:
Đối với người chuẩn bị làm mẹ:
Khám tổng quát – lâm sàng
Khám và siêu âm vú
Khám phụ khoa
Chụp X-quang tim phổi
Siêu âm ổ bụng, tuyến giáo
Khám nha khoa
Điện tâm đồ
Làm các xét nghiệm cơ bản: Xét nghiệm huyết học, xét nghiệm đông máu cơ bản, xét nghiệm sinh hóa máu và xét nghiệm nước tiểu.
Xét nghiệm nội tiết
Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm có thể gây ảnh hưởng tới thai kỳ
Xét nghiệm sàng lọc virus: HIV, Rubella, giang mai, viêm gan B,…
Sàng lọc một số di truyền nhiễm sắc thể
Đối với người chuẩn bị làm cha:
Khám tổng quát – lâm sàng
Siêu âm bẹn bìu
Làm các xét nghiệm cơ bản: xét nghiệm công thức máu (xét nghiệm huyết học cơ bản), xét nghiệm đông máu cơ bản, xét nghiệm sinh hóa máu và xét nghiệm nước tiểu.
Xét nghiệm nội tiết
Xét nghiệm tinh dịch đồ
Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Sàng lọc một số bất thường nhiễm sắc thể
Một số công việc cần chuẩn bị gồm:
Giấy tờ khám sức khỏe: Giấy tiêm chủng, giấy khám sức khỏe gần nhất để bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác hơn
Lịch sử mang thai: đối với người đã từng mang thai trước đây
Ghi nhớ tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình để trả lời các câu hỏi của bác sĩ như: Loại vắc-xin từng tiêm, mắc bệnh gì, đã phẫu thuật chưa, bị dị ứng với thành phần gì, lối sống như thế nào, chu kỳ kinh nguyệt, có bệnh di truyền nào,…
Chuẩn bị trước những câu hỏi để hỏi ý kiến bác sĩ khi đi khám, xét nghiệm trước khi mang thai
Tìm hiểu kỹ về những xét nghiệm phải làm để chuẩn bị chu đáo như: nhịn ăn, nhịn tiểu, thời điểm thăm khám trong chu kỳ kinh nguyệt, việc kiêng quan hệ tình dục, loại trang phục nên mặc, việc ngừng sử dụng các loại thuốc đang dùng,…
III – Chuẩn bị tài chính trước khi sinh con
Ngay từ khi có ý định sinh con, vấn đề tài chính là không thể thiếu. Nó đã bắt đầu phát sinh trong thời gian chuẩn bị mang thai rồi, như: bổ sung dinh dưỡng cho vợ và chồng, khám tiền thai sản, tiêm các loại vacxin cần thiết,…
Một số khoản chi phí cơ bản bạn cần chuẩn bị như:
Chuẩn bị tài chính cho giai đoạn trước khi mang thai: khám tiền sản, tiêm vacxin, bổ sung dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe,…
Chuẩn bị tài chính cho giai đoạn mang thai: khám thai định kỳ, thực phẩm tăng cường cho mẹ và bé, học yoga bầu tăng sức khỏe, quần áo cho mẹ bầu,…
Chuẩn bị tài chính cho giai đoạn sinh và sau sinh: chi phí sinh tại bệnh viện, quần áo và đồ dùng cá nhân cho bé, sữa và thực phẩm bổ sung nếu được chỉ định thêm, chi phí tăng thiêm khi mẹ và bé ở nhà như điện – nước – đồ ăn,…
Chuẩn bị tài chính dự phòng: đây là khoản chi phí để dự phòng bất trắc phát sinh không nằm trong kế hoạch.
Khi có kế hoạch cho các khoản chi phí này thì vợ chồng sẽ nhìn thấy rõ hơn ngay từ bây giờ cần tiết kiệm hay bổ sung nguồn thu nhập như thế nào.
Trước khi mang thai là cả quá trình vợ chồng cần chuẩn bị từ kiến thức, sức khỏe đến tài chính. Hy vọng những nội dung tổng quát phía trên sẽ cho bạn cơ sở ban đầu để tiếp thêm hành trang trong sứ mệnh tạo ra một sinh linh mới.